Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là căn bệnh thường gặp và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vậy nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh của căn bệnh này là gì? Bạn hãy cùng đọc những thông tin trong bài viết sau đây nhé!
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Sốt xuất huyết là căn bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm và có thể lây lan nhanh do loại muỗi vằn hút máu người bệnh truyền sang cho người lành. Loại muỗi này hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, trong những nơi ẩm thấp, tăm tối trong nhà. Vì vậy, nếu trẻ sơ sinh bị muỗi vằn đốt thì khả năng mắc sốt xuất huyết là rất cao.
Dấu hiệu của trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh được chia làm hai loại là sốt xuất huyết trong và sốt xuất huyết ngoài da. Trong đó, sốt xuất huyết trong có biểu hiện là bé đi tiêu ra máu, bị xuất huyết não còn sốt xuất huyết ngoài da thì có những đốm nhỏ li ti xuất hiện trên da, dùng tay ấn lên không đổi màu và có xu hướng lan rộng kèm theo sốt.
Bên cạnh đó, khi trẻ bị sốt xuất huyết, trẻ còn có thể bị đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, đau bụng. Sau một vài ngày, cơ thể trẻ sẽ có những dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, nôn ra máu, đốm xuất huyết dưới da,…
Thông thường, các trường hợp bé bị xuất huyết ở giai đoạn đầu (chưa có biểu hiện xuất huyết) thì đều có thể chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, do các biến chứng có thể xảy ra nên bạn cần theo dõi bé sát sao để có thể xử lý kịp thời trước khi có biến chứng.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu của sốt xuất huyết, bạn cần cho bé đến bệnh viện ngay lập tức để bé được điều trị sớm. Song song đó, bạn cần nhanh chóng hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm hoặc cho bé uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Trẻ bị sốt xuất huyết cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Vì vậy, bạn nên cho bé ăn những thực phẩm ở dạng lỏng để bé dễ nuốt mà không bị nôn ói. Trong trường hợp trẻ còn bú mẹ thì bạn cần tăng số lần cho con bú trong ngày.
Ba mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh của bé. Nếu thấy bé có những biểu hiện nặng như đau bụng, ói, tay chân lạnh toát, mệt mỏi lừ đừ, không tỉnh táo,… thì bạn cần đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nếu để lâu, có thể khiến bé gặp nguy hiểm về tính mạng.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì thế, bạn cần mặc cho bé quần áo dài tay và mắc mùng cho bé khi ngủ. Đồng thời, bạn cũng có thể thoa kem chống muỗi dành riêng cho trẻ em lên da bé để ngăn ngừa muỗi đốt hoặc dùng nhang muỗi, vợt bắt muỗi. Tuy nhiên, nếu dùng nhang muỗi bạn cần hết sức cẩn thận để không làm bé ngạt hay ngộ độc.
Ngoài ra, giữ cho môi trường sống sạch sẽ, tránh để các vật dụng đọng nước xung quanh nhà và liên hệ với cơ quan y tế để phun thuốc diệt muỗi khi cần thiết cũng là những điều mà bạn cần làm để phòng ngừa sốt xuất huyết cho con yêu của mình.
Hà Thu