Chợ nổi Cái Răng là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Cần Thơ. Ghé qua chợ nổi một ngày bạn sẽ cảm nhận được không khí sôi nổi, nhộn nhịp của người dân nơi đây. Nét độc đáo ở ngôi chợ này là chuyên buôn bán các loại trái cây, nông sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hãy cùng tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về chợ nổi qua bài viết dưới đây.
1. Chợ nổi Cái Răng ở đâu?
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng (quận Cái Răng). Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Chợ nổi Cái Răng khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Đến thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại về giao thông đường thủy. Chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền..
Hiện tại, chợ nổi nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ. Cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No. Nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các địa phương lân cận. Đây là lí do khiến chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất, sầm uất nhất. So với các chợ nổi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Đến chợ nổi Cái Răng bằng cách nào
Từ Sài Gòn có nhiều cách để đi đến Cần Thơ: đi bằng xe máy hoặc đi ô tô, xe đò. Nếu muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn thì bạn có thể chọn đi ô tô. Còn nếu muốn trải nghiệm theo dạng phượt thì bạn chọn đi xe máy. Mất tầm khoảng 4 tiếng để tới được Cần Thơ.
Tới Cần Thơ, bạn hãy tìm tới bến Ninh Kiều để đi thuyền ra chợ nổi Cái Răng mất tầm 30 phút. Nếu đi với nhóm bạn đông người thì có thể thuê thuyền riêng. Thuyền có thể chở được từ 10 tới 12 người với giá từ 500,000đ – 800,000đ. Hãy trả thêm khoảng 10,000đ nếu bạn muốn ghé qua thăm cầu Cần Thơ nhé.
3. Thời điểm đi chợ nổi hợp lý nhất
Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm từ khoảng 4 – 5 giờ sáng. Và đông nhất là vào lúc 7h sáng. Lúc này các ghe xuồng đã bắt đầu cập chợ vậy nên bạn cần đi sớm một chút. Bạn nên xuống tàu rời bến Ninh Kiều để tới chợ nổi lúc 4 giờ 30, khoảng 5 giờ là có mặt tại đây. Lúc này trời vẫn còn hơi tối, mặt trời chưa ló dạng. Rất lý tưởng để đón bình minh trên chợ nổi. Tiếng buôn bán của khu chợ sẽ khiến bạn vượt qua cơn ngủ và khám phá được nhiều điều thú vị ở đây.
4. Có gì thú vị ở chợ nổi Cái Răng
4.1 Những chiếc xuồng chở đầy hàng
Bình thường bạn chỉ thấy người ta tụ tập buôn bán, trao đổi hàng hóa trên đất liền. Thế nhưng, hoạt động này lại diễn ra trên các ghe xuồng nghe có vẻ kỳ lạ và rất thú vị. Mỗi chiếc xuồng ở chợ nổi Cái Răng chở một món hàng khác nhau. Từ các loại trái cây, đồ gia dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, các món ăn ngon đậm chất miền Tây cũng được bán trên ghe ở chợ nổi. Bạn có thể dạo chơi và ghé vào một ghe bán đồ ăn nào đó mình thích. Gọi một tô bún riêu với giá hạt dẻ và thưởng thức ngay trên chợ nổi, rất ngon và rất lạ.
4.2 Cây “bẹo” ở chợ nổi Cái Răng
Chủ của các chiếc ghe sẽ treo các món đồ mình bán lên một cây sao – người dân ở đây hay gọi là cây bẹo. Nếu như trước kia nhiều ghe xuồng tấp nập, người mua khó nhận ra nơi nào bán các mặt hàng họ muốn mua. Thì việc treo cây bẹo trước ghe giúp họ dễ dàng nhận ra sản phẩm mình cần hơn. Người ta vẫn hay đùa rằng đây là hình thức marketing độc đáo đầu tiên ở Việt Nam.
Đặc biệt, dần dần hình thành một đặc sắc riêng chợ nổi Cái Răng là 4 “treo”:
- Treo gì bán đó: Người dân treo những loại nông sản hay hàng hóa mình bán lên cây bẹo để mời gọi người mua.
- Treo mà không bán: Đó là chỉ những cây sào treo quần áo của người dân. Đời sống chợ nổi đôi khi mất vài ngày sống trên ghe. Họ ăn uống, giặt giũ ngay tại ghe. Từ đó xuất hiện những loại quần áo treo tại đây.
- Không treo mà bán: Đó là chỉ những hàng quán di động như cafe, đồ ăn hay món nhậu dành cho người sống trên ghe. Họ sử dụng ghe nhỏ để len lỏi qua hàng trăm ghe thuyền để chào hàng. Khi ấy họ không sử dụng bẹo để mời gọi mà đến tận nơi để bán cho khách hay người dân sinh sống tại đây.
- Treo cái này bán cái khác: Đối với những người sắp “giải nghệ”. Họ không thể nào treo 1 chiếc ghe lên bẹo để bán. Khi ấy họ quy định với nhau rằng sẽ treo 1 chiếc lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên trên. Để người khác hiểu rằng chủ nhân chiếc ghe đó muốn bán ghe.
Có dịp xuôi về miền Tây ghé thăm Cần Thơ chớ quên đi chợ nổi Cái Răng nhé. Hãy thử cảm giác đi chợ trên sông nước có gì khác biệt với trên đất liền. Và đừng quên chụp ảnh ở ngôi chợ nổi tiếng nhất nhì miền Tây này.