Sản phẩm iPhone thế hệ thứ 6 với thiết kế mỏng, dài và nhẹ hơn đã giúp cho cổ phiếu của Apple lần đầu tiên cán mốc 700 USD. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng với giới phân tích và cả thị trường không nằm ở một sản phẩm mang tính cách mạng (iPhone 5 có nhiều cải tiến nhưng căn bản vẫn không quá khác biệt so với iPhone 4S), mà chính là việc Apple đã có một đợt ra mắt sản phẩm mới rất thành công mà không cần nhờ đến cái bóng của Steve Jobs.
Đợt bán ra iPhone cuối tuần trước cũng phần nào cho thấy những thay đổi của Apple dưới thời Tim Cook. Tại những sự kiện tiếp xúc với báo giới trước kia, Steve luôn đăng đàn độc diễn trong bộ quần áo giản dị quen thuộc đã thành phong cách của ông. Ngược lại, trong buổi ra mắt iPhone 5 hôm 12/9, Tim Cook và các nhà điều hành đã chia nhau công việc giới thiệu sản phẩm, và thậm chí là họ còn có cả một kiểu đồng phục gồm quần jean và áo sơ mi nhẹ nhàng.
Dưới sự lãnh đạo của Tim, Apple mời nhiều nhà phân tích của phố Wall về tổng hành dinh để trao đổi cùng các nhà điều hành, đặc biệt là với giám đốc tài chính Peter Oppenheimer và giám đốc dịch vụ Internet Eddy Cue. Tim Cook đích thân trả lời nhà đầu tư tại hội nghị Goldman Sachs – một việc tương đối hiếm đối với các nhà điều hành của Apple, và đưa ra yêu cầu kiểm tra tình trạng làm việc của nhân công trong chuỗi cung ứng. Một số nguồn tin nội bộ cho biết làm việc với Tim “dễ thở” hơn Steve – một người được nhân viên ngưỡng mộ nhưng cũng rất nể sợ. Một thuộc cấp thân cận tiết lộ rằng Apple dưới thời Tim tiếp tục tập trung tăng doanh thu, giữ chân tất cả những điều hành cấp cao, đảm bảo lộ trình ra mắt sản phẩm và hạn chế tối đa những sai lầm ngớ ngẩn.
Tuy nhiên, iPhone 5 có thể rất đẹp về kiểu dáng và tốt về tính năng, nhưng dịch vụ bản đồ chắc chắn không nằm trong số đó. Trên iOS 6, Apple đã bỏ Google Maps và thay vào dịch vụ bản đồ do chính hãng phát triển. Bất chấp những lời giới thiệu đầy mỹ từ, phản hồi đầu tiên của người dùng về bản đồ của Apple là khá xấu. Dịch vụ không có thông tin về phương tiện công cộng, bị hạn chế về thông tin giao thông, rất nhiều lỗi về hình ảnh hiển thị, như việc cả một thành phố bị đem ra đến tận ngoài biển. Apple đã lên tiếng về vấn đề này, song như nhận định của nhà phê bình công nghệ Anil Dash thì “Apple thay đổi dịch vụ bản đồ, dù biết sản phẩm của mình chưa tốt, là vì hãng muốn đặt chiến lược của công ty lên trên trải nghiệm của người dùng”.
Nếu là Steve, ông sẽ yêu cầu toàn bộ công ty ngồi lại và cùng giải quyết vấn đề. Mỗi yếu điểm đều sẽ được Steve chú ý và tìm cách khắc phục nhanh nhất có thể. Đây là phát biểu của một nguồn thân cận với hoạt động nội bộ của Apple, và người này nói rằng vấn đề trước mắt của Tim làm ông mất bao lâu để phản hồi và khắc phục lỗi của dịch vụ bản đồ. Năm 2008, Apple giới thiệu công cụ đồng bộ hóa thư điện tử MobileMe. Dịch vụ này nhận được khá nhiều lời phàn nàn, và ngay lập tức nhóm phát triển đã phải “lãnh đủ” với Steve Jobs. “Mọi người nên tự cảm thấy căm ghét lẫn nhau đi, vì đã phụ lòng tin tưởng của nhau”, Steve nói, sau đó thay đổi ngay nhân sự đứng đầu.
“Không một giám đốc điều hành nào, kể cả Steve Jobs, có khả năng đảm bảo 100% không lỗi trên một sản phẩm mới phức tạp như iPhone 5. Câu hỏi lớn ở đây là Tim sẽ có giải pháp gì để trả lời vấn đề trên?”, trích nhận xét của David Yoffie, giáo sư khoa kinh doanh thuộc đại học Harvard, Mỹ. Không những thế, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là Apple dưới bàn tay chỉ đạo của Tim có khả năng sáng tạo ra một sản phẩm mang tính cách mạng, thay vì chỉ nâng cấp từ từ sản phẩm một cách an toàn, hay không? Hiện tại, Apple đang có iPhone, dòng iPod mới và một sản phẩm iPad mini chưa rõ thực hư – tất cả đều chỉ là những bản nâng cấp, chứ chưa có sức mạnh thay đổi cuộc chơi như iPhone và iPad từng làm hồi năm 2007 và 2010.
Tất cả đều đang ở phía trước. Apple hiện tại vẫn tốt, nếu không muốn nói là rất tốt. Tim Cook có trong tay đầy đủ các nguồn lực để sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, vấn đề là ông có khả năng và có muốn làm điều đó hay không. Hãy cùng chờ xem Tim Cook và Apple sẽ tiếp tục làm bất ngờ chúng ta như thế nào nữa trong tương lai.