Thành phố Long Xuyên là một thành phố thuộc tỉnh An Giang, đồng thời cũng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Long Xuyên là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh, nằm bên hữu ngạn sông Hậu.
Thành phố Long Xuyên An Giang cách thủ đô Hà Nội 1950 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) 189 km về phía Tây Nam, cách biên giới Campuchia 45 km đường chim bay. Long Xuyên có dân số khoảng 350.000 người (số liệu năm 2007) và diện tích tự nhiên là 106, 87 km, gồm 11 phường và 2 xã. Tây Bắc giáp huyện Châu Thành Đông Bắc giáp huyện Chợ Mới Nam giáp huyện Thốt Nốt (Thành phố Cần Thơ), Tây giáp huyện Thoại Sơn.
Long Xuyên là một thị xã (nay đã là thành phố) mãi còn trẻ, theo kịp đà tiến triển của cả nước, tuy ở xa thủ đô. Được như thế, nhờ truyền thống yêu nước, nhờ nếp sống cởi mở, hiếu khách. Quanh thị xã, với sông sâu nước chảy, với cây xanh, ta gặp vài kiểu nhà sàn đẹp mắt, định hình để thích nghi với cơn lụt hàng năm. Kỹ thuật nấu ăn, bánh trái có thể bảo là không kém hoặc hơn hẳn nhiều vùng trong đồng bằng. Ẩm thực nơi này cũng là nét thu hút đáng kể với những khách phương xa về du lịch Châu Đốc – An Giang. Đáng kể nhứt là đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc khá hùng mạnh, tài hoa, nhiều người thuộc tầm cỡ lớn…
Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang chia sẻ với phóng viên của đại lý du lịch: An Giang trong đó có Long Xuyên là một vùng đất mới, những cư dân lớp đầu phần lớn ở vùng Ngũ Quảng vào với hai bàn tay trắng. Trong tình cảnh đó, hành trang tinh thần, đó là đạo lý “trung-hiếu-tiết-nghĩa”; là ‘lá lành đùm lá rách”, “một cây làm chẳng nên non”; là “ơn đền nghĩa trả”, “ân oán phân minh”, căm ghét kẻ bội phản. Về sau, khi công cuộc khai khẩn đi dần vào ổn định, người dân trở nên rộng rãi, phóng khoáng, trọng nhân nghĩa và có tính bao dung hơn. Ngày nay, ngoài những tính cách trên, tính năng động, ít bảo thủ, thích tiếp thu cái mới ngày càng thể hiện rõ nét trong quá trình làm ăn kinh tế và sản xuất nông nghiệp… Tính cách và lối sống của người dân An giang trong đó có Long Xuyên khá tiêu biểu cho một nền văn minh sông nước (như tập quán làm nhà sàn, nhóm chợ trên sông, nuôi cá trong lồng bè, dùng ghe xuồng để đi lại và mua bán…) mà nhà văn Sơn Nam đã gọi một cách nôm na là văn minh miệt vườn