Đồ chơi vừa an toàn, vừa có tính giáo dục lại vừa đem lại sự thích thú cho trẻ sơ sinh là điều mà khiến không ít các bậc phụ huynh quan tâm, nhất là đối với những người lần đầu làm cha mẹ.
Trên thị trường hiện nay, đồ chơi ngày càng nhiều và xuất hiện với vô vàn kiểu dáng và mẫu mã khác nhau nhưng loại đồ chơi nào mới thật sự phù hợp với bé thì quả thật là điều vô cùng khó khăn đối với mỗi bậc cha mẹ.
Hiểu được điều đó, bài viết dưới đây sẽ giúp cho bố mẹ có sự lựa chọn phù hợp nhất để cho bé chơi an toàn và mang lại hiệu quả cao.
Đồ chơi phù hợp với trẻ sơ sinh
Khi mới chào đời, trẻ sơ sinh luôn lạ lẫm, tò mò và khám phá với những thứ xung quanh. Tuy nhiên, đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bé chỉ có thể phản ứng với những hình vẽ và màu sắc có độ tương phản cao.
Chính vì vậy các mẹ nên ưu tiên chọn cho bé những món đồ chơi có gam màu đối lập như đen, đỏ, trắng để kích thích thị giác và những hoạt động thể chất khác như lắc lư, đưa đẩy cơ thể, vẫy tay…
Đồ chơi nhiều màu sắc kích thích thị giác cho bé
Đối với trẻ sơ sinh thì tầm nhìn của bé chưa được cao nhất là ở giai đoạn từ 1 đến 3 tháng tuổi. Lúc này, bé chỉ nhận ra những vật nằm trong tầm mắt bé từ 18 – 38 cm và những vật mà bé nhìn rõ nhất là ở khoảng cách 30 cm.
Do vậy, các bà mẹ nên chọn cho bé những đồ vật có màu sắc sặc sỡ và độ tương phản cao như cục xúc xắc nhồi bông có 6 mặt màu, đồ chơi trái cây, các bức tranh vẽ hình thú, sách tranh ảnh… đây là những món đồ chơi vô cùng lý tưởng để bé có thể phân biệt màu sắc và phát triển thị giác bé một cách tốt nhất.
Đồ chơi kích thích sự sáng tạo
Các món đồ hầu như gia đình nào có trẻ sơ sinh đều có như tô nhựa, chén nhựa, chai nhựa… bạn có thể tận dụng cho bé chơi để bé tự do phát triển khả năng sáng tạo của mình.
Để tạo sự hứng thú cho bé khi chơi, bạn cũng có thể chơi cùng bé bằng cách xếp các chén nhựa hoặc tô nhựa chồng lên nhau hoặc chơi trò làm bếp với bé không những giúp bé mê mẩn khi chơi mà còn kích thích sự sáng tạo của bé nữa.
Đồ chơi phát triển thính giác bé
Ngoài những món đồ chơi kích thích thị giác hay phát triển sự sáng tạo ở bé thì những món đồ chơi có âm thanh phát ra lại rất có lợi cho việc phát triển thính giác bé. Nó không những giúp bé vui vẻ khi chơi mà còn luyện cho bé có khả năng nghe tốt.
Mẹ có thể cho bé chơi những món đồ phát ra âm thanh như hộp nhạc, chiếc đàn, mô hình điện thoại… Nên cho bé nghe nhiều loại âm thanh khác nhau để bé có những phản ứng tích cực và biết phân biệt, chọn lọc âm thanh cho mình nghe.
Những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương sẽ giúp cho bé thư giãn và cảm thấy dễ chịu khi chơi. Còn những bản nhạc sôi động sẽ khiến bé hứng thú và có thể lắc lư theo điệu nhạc. Tuy nhiên, bố mẹ nên chọn kiểu nhạc nhẹ với âm thanh vừa phải, không quá to để tránh ảnh hưởng đến tai trẻ.
Đồ chơi giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm
Đồ chơi cầm nắm cũng vô cùng quan trọng để giúp bé phát triển được cơ tay khỏe mạnh. Trẻ sơ sinh thường có phản xạ khi nhìn thấy bất kì vật nào thu hút bé, bé có thể đưa tay với, nắm cho bằng được. Tuy việc cầm nắm của bé không thể diễn ra trong một thời gian dài nhưng như vậy cũng đủ khiến cho bé vô cùng thích thú.
Mẹ có thể chọn cho bé những món đồ chơi dùng để cầm nắm cho trẻ sơ sinh như đồ chơi thú mềm, đồ chơi ngậm nướu răng bằng nhựa an toàn cho trẻ… Tuy nhiên, khi chọn đồ chơi cho trẻ, mẹ nên chọn những món đồ chơi nhỏ, nhẹ, vừa tay cầm để bé có thể luyện tập kĩ năng cầm nắm đồ vật một cách tốt nhất.
Đồ chơi luyện phản xạ và thể lực
Để kích thích phản xạ tự nhiên hay rèn luyện thể lực cho bé thì mẹ nên chọn những món đồ di chuyển như bóng hoặc xe đẩy. Đồ chơi chuyển động sẽ giúp bé quan sát được nhiều phía khác nhau, giúp bé rèn luyện phản xạ tốt nhất.
Khi chơi với bóng, bé có thể bò theo sự di chuyển của bóng, điều này giúp cho bé nhanh nhạy phản xạ và làm cho cơ chân và cơ tay của bé phát triển khỏe mạnh. Đối với xe đẩy cũng vậy, bé sẽ rất hứng thú đẩy chiếc xe khi mới chập chững biết đi.
Mẹ có thể giữ bé và để bé đẩy xe xung quanh nhà không những giúp cho cơ chân bé khỏe mà đây cũng là cách vô cùng có lợi trong việc giúp cho bé nhanh biết đi nhất là đối với những bé chậm biết đi.
Ngân Khánh