Ho cấp, ho khan, ho thành cơn, ho có đờm, ho ra máu… là những triệu chứng ho phổ biến, gây khó chịu cho người bệnh. Nếu ho chỉ kéo dài trong vòng ba ngày mà không có sốt thì đây có thể là cơ chế bảo vệ của hệ hô hấp, nhưng nếu ho kéo dài hơn khoảng thời gian này thì bạn nên đi đến khám tại các cơ sở y tế ngay.
Ho là một dạng cơ chế tự vệ của hệ hô hấp, trong một vài trường hợp, ho để tống di vật kẹt trong đường hô hấp ra ngoài cơ thể. Ho cũng xảy ra trong tình trạng ngoài ý muốn và có tính chất phản xạ. Một số chuyên gia cho biết có thể chia căn bệnh ho thành nhiều loại, tùy thuộc vào các triệu chứng khác nhau.
Ho cấp
Triệu chứng xảy ra đột ngột vì hít phải các chất bụi hay ô nhiễm, có thể dây dị ứng đến mũi, họng, hen, hoặc nghiêm trọng hơn thì gây ứ máu ở phổi, phù phổi… Nguyên nhân của triệu chứng này có thể là do bị viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản…
Ho khan
Ho khan là triệu chứng người bệnh ho nhiều nhưng không liên tiếp và không có đờm. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tai, viêm xương chũm mạn tính, xơ phổi, phù phổi… Đối với người thường xuyên hút thuốc, ho khan có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phế quản.
Ho theo từng cơn
Ho từng cơn là bệnh nhân ho liền một lúc, nhiều lần liên tiếp, rồi nghỉ một lúc và tiếp tục ho. Triệu chứng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến lồng ngực, khiến tĩnh mạch cổ bị phồng lên, người bệnh bị chảy nước mắt, nôn ói, đau ngực…
Ho có đờm
Ho có đờm là triệu chứng bệnh nhân bị ho và khạc ra đờm. Đây có thể là do bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang. Hoặc nặng hơn thì có thể bị ung thư họng, thực quản, khí quản, thanh quản.
Ho ra máu
Ho ra máu là triệu chứng ho khạc ra máu và rất nghiêm trọng. Triệu chứng này có thể liên quan đến các căn bệnh như viêm phổi cấp, bệnh lao, hoặc tệ hơn nữa là ung thư phổi.
Cách điều trị khi bị ho
Nếu các triệu chứng ho kéo dài nhiều ngày, bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu đã điều trị bằng thuốc nhưng vẫn không thuyên giảm, vẫn sốt, ho, khó thở, đau ngực thì có thể người bệnh đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng hơn. Có thể là các bệnh như hen, viêm phế quản, lao, viêm phổi, ung thư phổi…
Có một số cách để phòng chống căn bệnh ho này là uống nhiều nước, tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, ăn uống hợp lý, đặc biệt để ý giữ ấm khi trời trở lạnh, vệ sinh răng miệng, thường xuyên ăn các loại trái cây giàu vitamin C để bổ sung sức đề kháng cho cơ thể.