Giảm cân khi mang thai luôn là vấn đề được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Béo phì, tăng cân quá nhanh khi mang thai sẽ không tốt cho sức khỏe thai phụ và thai nhi trong bụng. Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ mang bầu vẫn có thể giảm cân, miễn là vẫn duy trì đầy đủ dinh dưỡng và không tập thể dục quá sức. Kiểm soát trọng lượng cơ thể trong thời kì mang thai sẽ giúp bạn sinh em bé dễ dàng hơn, cũng như có lợi cho cả em bé nữa.
Đừng quá lo lắng, chúng tôi xin mách mẹ bầu một số bí quyết giúp mẹ vẫn có thể giảm cân được trong thời kì mang thai, và vẫn đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho em bé trong bụng.
1. Nguyên nhân mẹ bầu phải giảm cân khi mang thai
Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, béo phì có rất nhiều tác hại, đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai. Cụ thể, bà bầu béo phì có thể tăng nguy cơ huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường trong giai đoạn của thai kỳ, có thể dẫn đến tiền sản giật. Thậm chí, nguy cơ sẩy thai, chết lưu hoặc sinh non cũng tăng lên nếu mẹ béo phì hoặc tăng cân quá mức trong thời gian đang mang bầu.
Mặt khác, mẹ béo phì hoặc tăng cân quá mức cũng sẽ khiến bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh và gặp những trở ngại khi siêu âm, chẩn đoán. Đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị sinh con, mẹ có cân nặng quá mức cũng có thể tăng nguy cơ máu đông, nhiễm trùng và khó gây mê. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mẹ béo phì cũng thường gặp vấn đề khó khăn khi cho con bú. Đồng thời, các triệu chứng thường gặp trong thai kỳ như đau lưng, đau đầu, áp lực đè khung chậu, ợ nóng và hội chứng ống cổ tay… xảy ra thường xuyên hơn ở những bà bầu thừa cân, béo phì.
Do đó, chúng tôi khuyên các bà bầu là nên ăn kiêng và thực hiện chế độ giảm cân khoa học ngay từ khi còn đang mang thai, để bảo đảm an toàn sức khỏe của cả hai mẹ con.
2. Làm thế nào để giảm cân khi mang thai
Nếu bạn muốn kiểm soát cân nặng khi mang thai, hãy thử thực hiện một số bí quyết dưới đây nhé. 5 bí quyết khoa học này sẽ giúp mẹ bầu hạn chế được trọng lượng cân nặng cơ thể, nhưng lại không gây bất cứ thương tổn nào cho thai nhi trong bụng.
2.1 Hiểu được nhu cầu về calorie mà cơ thể cần
Phụ nữ khi mang thai được khuyến cáo là không nên tăng cân quá mức. Do vậy, cần phải biết cơ thể mình cần nạp bao nhiêu calorie mỗi ngày là đủ.
Trò chuyện thêm với bác sĩ để hiểu hơn về cơ thể mình. Đừng bắt chước người khác áp dụng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt chỉ vì muốn giảm cân nhanh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và thai nhi.
2.2 Chia nhỏ bữa ăn
Khi mẹ đang mang thai thì không thể tránh khỏi cảm giác ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu, đầy bụng. Nhiều mẹ chia sẻ, những bữa chính của họ thường gặp nhiều khó khăn vì chứng chán ăn, nuốt không trôi. Vậy thì phải làm cách nào? Nên linh hoạt, chia nhỏ bữa ăn trong một ngày, lúc nào đói có thể ăn lúc đó, nhưng lượng thức ăn đưa vào cơ thể phải được cắt giảm ít hơn so với bữa ăn chính bình thường.
Theo đó, thay vì bắt buộc ăn 3 bữa chính, các mẹ nên chia thành 5 – 6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp mẹ ăn uống dễ dàng hơn, cũng như luôn đảm bảo lượng dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ trong cả ngày.
Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp bạn nhận được đầy đủ calo và dinh dưỡng cần thiết, mà vẫn giữ nguyên năng lượng và bình ổn độ đường trong máu. Bí quyết chia nhỏ bữa ăn này còn giúp mẹ bầu bớt ốm nghén và có tác dụng giảm cân hiệu quả, an toàn tuyệt đối.
2.3 Nên ăn bữa sáng đầy đủ
Dù muốn hay không, bà bầu cũng tuyệt đối không nên bỏ bữa ăn sáng mỗi ngày nhé. Mặc dù muốn giảm cân nhanh nhưng các mẹ vẫn phải nên ăn sáng đầy đủ để không ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Nhiều người thường mắc sai lầm này, khi nghĩ rằng bỏ bữa sáng sẽ hạn chế được việc tăng cân. Nhưng ngược lại, bỏ bữa sáng được cho là rất có hại cho cơ thể, đặc biệt là với những người đang mang thai.
Cụ thể, bỏ bữa sáng sẽ khiến bạn đói nhanh dẫn đến việc ăn nhiều hơn vào các buổi còn lại trong ngày. Nếu bỏ bữa ăn sáng bạn sẽ bị thiếu năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, không có tinh thần làm việc. Đặc biệt, bỏ bữa cũng không hề giúp bạn giảm cân nhanh hơn chút nào.
2.4 Ăn những món ăn bổ dưỡng
Mẹ bầu đang mang thai cần xây dựng một chế độ ăn phù hợp và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Cụ thể mẹ cần bổ sung những thực phẩm tốt cho trọng lượng cơ thể như:
– Trái cây và rau củ tươi
– Các loại ngũ cốc và bánh mì được làm hoàn toàn bằng ngũ cốc nguyên hạt
– Sữa tươi không đường hoặc sữa tách béo
– Những thực phẩm giàu folate như dâu tây, cải bó xôi và các loại đậu
– Chất béo không no bão hòa có trong dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng…
Một số thực phẩm mà bạn không nên dùng để tránh tình trạng tăng cân khi mang thai, cụ thể:
– Những thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất tạo ngọt nhân tạo
– Thực phẩm và đồ uống có chứa nhiều đường hoặc sirô hóa học
– Một số thức ăn vặt như khoai tây chiên, kẹo, bánh quy và kem. Lâu lâu bạn cũng có thể ăn một ít, nhưng đừng biến nó thành một thói quen gây hại cho cân nặng
– Hạn chế nêm muối quá nhiều vào những món ăn hàng ngày.
– Tránh ăn một số thực phẩm chứa chất béo gây hại như bơ thực vật, nước thịt, nước sốt, sốt mayonnaise và nước sốt trộn salad.
2.5 Tập thể dục
Tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập đều đặn 5 ngày trong tuần. Nếu trước lúc mang thai bạn không tập thể dục, thì tốt nhất nên bắt đầu từ 15 – 20 phút mỗi ngày, và một tuần tập 3 buổi là vừa đủ.
Các bài tập thể dục an toàn cho phụ nữ mang thai như: Đi bộ, thể dục nhịp điệu tác động thấp, khiêu vũ, bơi và tập yoga. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia trước khi bắt đầu luyện tập những bộ môn này, đặc biệt là khi mẹ bầu chọn các bài thể dục nặng, mất nhiều sức lực.
Đồng thời, thai phụ cần thiết phải tập thể dục ngay cả khi không có nhu cầu giảm cân, vì nó sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ đau nhức, ốm đau và kiệt sức khi sinh nở. Do đó, tập thể dục nhẹ nhàng cũng là cách giảm cân khi mang thai mẹ bầu có thể tham khảo.
3. Nếu giảm cân quá nhanh, thai nhi sẽ chịu ảnh hưởng gì
Giảm cân khi mang thai là tốt, nhưng nếu mẹ giảm cân quá nhanh sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Điều này thường xảy ở giai đoạn đầu của thai kì do ốm nghén và dễ dẫn đến những biến chứng sau:
– Bé sinh ra bị nhẹ cân
– Khả năng sẩy thai là rất cao, đặc biệt là trong ba tháng đầu do chán ăn, ép cơ thể không ăn vì sợ thừa cân
– Nước ối ít hơn do dinh dưỡng nạp vào quá thấp
– Khả năng nhận thức của bé kém vì mẹ không đưa vào cơ thể những dưỡng chất cần thiết
– Thai nhi trong bụng có kích thước nhỏ hơn.
Không bao giờ được cố tình giảm cân khi mang thai, nhất là khi chưa được bác sĩ chỉ định, hoặc chưa đưa ra lời khuyên hợp lý, mà mẹ đã nôn nóng thực hiện. Thực tế, nếu mẹ bầu bị béo phì thì việc giảm vài cân cũng không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, mẹ cũng nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để vừa an toàn cho bé, vừa “thỏa mãn” được cân nặng mong muốn. Tránh tình trạng ép cân nặng quá mức gây ảnh hưởng đến sự phát triển và trí tuệ của bé sau này. Nếu thấy những bí quyết giảm cân cho bà bầu trên đây của chúng tôi hiệu quả, hãy chia sẻ ngay cho những ai đang có nhu cầu giống mình nhé!
Khánh Nhi tổng hợp