Ngày nay, đối với nhiều nước, khái niệm “y học từ xa” không còn thuộc lĩnh vực khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở nên quen thuộc và trong tương lai gần, y học từ xa sẽ phổ biến khắp thế giới. Trên thực tế, trong mấy năm gần đây, một số nước (trong đó có nước ta) đã bắt đầu áp dụng biện pháp chẩn bệnh từ xa, chữa bệnh từ xa qua mạng internet, điện thoại di động, thậm chí qua sóng truyền hình….
Nét mới của công tác chăm sóc y tế thế kỷ 21
Hiện nay, nền y tế nhiều quốc gia đã đưa vào triển khai chương trình “y tế từ xa” (Telemedicine) bao gồm các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa với sự hỗ trợ của các công nghệ truyền thông tối tân. Nga đang là nước đi đầu trong việc triển khai rộng khắp và toàn diện nhất chương trình này. Ngay từ năm 1991, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Nga đã áp dụng phổ biến việc “hội chẩn từ xa” (Teleconsultation) thông qua điện đàm. Điều này cho phép bất cứ một bác sĩ tuyến cơ sở, dù ở khu vực xa xôi hẻo lánh đến mấy, cũng có thể liên lạc tức thời với các chuyên gia y tế đầu ngành không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà còn có thể tham vấn các chuyên gia nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. Ở Nga, cuối thời Xô-viết, người ta đã lắp đặt một khối lượng lớn sợi quang trong hệ thống cáp quang thông tin liên lạc mà chưa được sử dụng hết công suất. Hệ thống thông tin liên lạc qua vệ tinh cũng còn dư thừa vô số đường truyền. Và chúng đã được tận dụng cho chương trình “Y tế từ xa”.
Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông ngày nay cho phép truyền tức khắc những thông tin không chỉ ở dạng lời nói, văn bản hoặc hình ảnh “chết” mà còn cả các những hình ảnh động như hình ảnh X quang động, hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, não đồ, hình ảnh nội soi… Chức năng hội nghị của công nghệ truyền thông cũng cho phép các bác sĩ cùng các giáo sư, chuyên gia… tiến hành hội chẩn đa phương với số người tham gia không hạn chế. Hiện, y tế từ xa đã được áp dụng ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… và bắt đầu có mặt ở các nước đang phát triển. Một số nước, lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã triển khai TeleMedicine như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan… Và sắp tới đây, tại Việt Nam, hình ảnh một bác sĩ tại Houston (Mỹ) ngồi trước màn hình vi tính, chẩn đoán rồi đưa ra phương pháp điều trị cho một bệnh nhân Việt Nam; một chuyên gia y tế đầu ngành ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán và hướng dẫn điều trị cho một bệnh nhân ở vùng sâu Cao Bằng hay Cà Mau… cũng sẽ trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Những thiết bị chẩn bệnh từ xa.
Nhu cầu có thực, lợi ích không nhỏ
Theo GS. John C. Joe – chuyên gia cao cấp về Y khoa không gian, Giám đốc Trung tâm Tin học y khoa Đại học Y khoa Baylor kiêm Giám đốc Chương trình Chẩn đoán điều trị từ xa IMI, Houston, Mỹ, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên thế giới những năm qua gặp nhiều thách thức do nhu cầu và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, do sự thay đổi về dân số và bệnh học, do giới hạn về nguồn lực… Để vượt qua các thách thức này, cần phải tạo ra nhiều dịch vụ y tế, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và kỹ thuật hiện đại. Trong đó, phát triển y tế từ xa là giải pháp hữu hiệu nhất. Đây không chỉ đơn giản là một sản phẩm phần mềm ứng dụng mà là một giải pháp hệ thống. Y tế từ xa thông qua mạng lưới siêu xa lộ thông tin sẽ đưa các thành tựu khoa học y tế đến tận những người dân vùng sâu vùng xa của bất kỳ một quốc gia nào. Báo cáo của Viện Y khoa Mỹ năm 2007 cũng nhấn mạnh: “Y tế từ xa với sự tự động hóa về các thông tin lâm sàng, tài chính và hành chính; trao đổi điện tử giữa các nhà lâm sàng, bệnh nhân và các đối tượng thích hợp khác trong môi trường an toàn là điểm cốt yếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thế kỷ 21”. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như trong một vài năm tới y tế từ xa sẽ chiếm lĩnh toàn thế giới.
Không chỉ phát huy tốt tác dụng trên bình diện vĩ mô, y tế từ xa cũng đắc dụng ở diện hẹp. Thông thường, đối với các nhân viên y tế, việc nhận được tức thời lời khuyên của các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm là rất cần thiết. Chương trình y tế từ xa có thể đáp ứng nhu cầu này: các “đối tượng” cùng bàn bạc hội chẩn một ca bệnh với nhau (có thông tin, hình ảnh lâm sàng … đi kèm) mà không cần phải bước ra khỏi phòng làm việc, phòng khám, phòng mổ. Ngoài ra, chương trình còn cho phép bất cứ bác sĩ nào, dù đang công tác ở một khu vực rất xa xôi hẻo lánh cũng có thể tham gia hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, nếu đủ trình độ ngoại ngữ, và năng lực, kiến thức chuyên môn. Cần biết rằng “tham gia” ở đây không phải tham gia thụ động – chỉ nghe, nhìn, đọc – mà có thể trực tiếp tranh luận, đóng góp ý kiến, nêu quan điểm của mình, nhận lời khuyên, ý kiến của các chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực mà mình quan tâm. Với người bệnh, sử dụng dịch vụ y tế từ xa, người bệnh sẽ không cần phải xếp hàng chờ lấy thẻ rồi đợi đến lượt khám, càng không phải tốn kém nhiều tiền bạc công sức để đi đến bệnh viện. Các quốc gia sẽ đỡ phải đau đầu với việc quá tải bệnh viện và các vấn nạn liên quan đến dịch vụ chăm sóc y tế khác.
Hiện, trên thế giới có hai hướng phát triển chủ yếu của y tế từ xa. Một là nghiên cứu về tổ chức mạng và đường truyền. Các dữ liệu y tế, y học gồm vǎn bản, âm thanh, hình ảnh,… được tổ chức xử lý và khai thác qua điện thoại hoặc mạng nội bộ, mạng internet, truyền hình, cáp quang… Hướng thứ hai là phát triển các phần mềm quản lý dữ liệu nhằm xây dựng hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, các hệ thống lưu trữ, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu, âm thanh, hình ảnh để phục vụ việc chẩn đoán và điều trị, hội chẩn từ xa truyền hình ảnh động và các dữ liệu khác từ những thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X quang, CT scaner, cộng hưởng từ hạt nhân… Nhiều nước đã xây dựng các mạng với hệ thống lưu trữ, xử lý và truyền ảnh động hoặc mạng xử lý và truyền ảnh số hóa. Những mạng như vậy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học, có thể nối với nhiều trung tâm ở xa khác qua các đường truyền viễn thông. Các lĩnh vục ứng dụng nhiều nhất là Xquang (Teleradiology), bệnh học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Telemedical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chǎm sóc sức khỏe tại nhà cho các bệnh nhân mạn tính hoặc điều trị ngoại trú (Tele-home Health Care)…
Y tế từ xa chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng bởi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông, giá thành của các dịch vụ này sẽ giảm đáng kể, các thầy thuốc sẽ ngày càng quen với công nghệ và ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ này hơn.
Theo Trud